Sau vụ chìm tàu container: Doanh nghiệp gặp khó vì hàng hóa bị ách tắc

Sau vụ chìm tàu container: Doanh nghiệp gặp khó vì hàng hóa bị ách tắc

(VLR) Ảnh hưởng từ sự cố chìm tàu container Vietsun Integrity trên luồng sông Lòng Tàu, các doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn vì sự chậm trễ trong việc tiếp nhận hàng hóa từ cảng Cái Mép – Thị Vải về cảng Cát Lái. Việc hàng hóa bị “tắc” tại cảng Cái Mép – Thị Vải không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân doanh nghiệp vận tải, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới chuỗi cung ứng hàng hóa, gây gián đoạn quy trình sản xuất của doanh nghiệp sản xuất do thiếu đầu vào nguyên liệu.

Hàng hóa tắc ở cảng, doanh nghiệp sản xuất thiếu nguyên liệu
Khắc phục những ảnh hưởng từ vụ chìm tàu, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đề xuất phương án cho các hãng tàu giao hàng về cảng Cái Mép – Thị Vải và hỗ trợ chi phí vận tải bộ cho khách hàng nếu container được bốc dỡ hạ tải tại Cảng Cái Mép – Thị Vải về TP. HCM. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận chuyển vẫn đang gặp nhiều vướng mắc liên quan đến việc lấy hàng trực tiếp tại cảng Cái Mép – Thị Vải, các vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan, trình tờ kê khai hàng hóa,… dẫn đến tình trạng ách tắc hàng hóa tại cảng Cái Mép – Thị Vải, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quy trình, cũng như năng suất của doanh nghiệp sản xuất do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào.Đại diện Công ty TNHH Quốc tế Delta cho biết, hiện Delta đang có lô hàng nhập từ Đài Loan về cảng Cát Lái gồm 2 container (1 x 40’ và 1 x 20’), nhận được thông báo hàng đến ngày 23/10. Sau đó hãng tàu lại thông báo đến ngày 24/10 hàng sẽ về cảng Cát Lái. Tuy nhiên, đến ngày 24/10 chỉ có container 40’ về cảng Cát Lái, còn container 20’ vẫn ở Cái Mép – Thị Vải vì giảm tải sau vụ chìm tàu Vietsun. Đến ngày 28/10 container 20’ vẫn chưa được chuyển về và cũng chưa biết được chính xác là khi nào hàng về đến Cát Lái. Về phương án kéo container trực tiếp từ cảng Cái Mép thì cũng mất rất nhiều thời gian do gặp các vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan, trình tờ kê khai hàng hóa vì thay đổi cảng đích.

Cũng gặp tình trạng tương tự, Công ty TNHH Vanguard Logistics Services Việt Nam, cũng đang đứng trước áp lực hàng hóa liên tục bị chậm trễ, dẫn đến tình trạng trễ hạn hợp đồng với khách hàng. Hiện tại, Vanguard đang có container hàng LCL, hãng tàu I Carry thông báo tàu đã về Cái Mép – Thị Vải từ ngày 24/10, nhưng đến thời điểm hiện tại hàng vẫn chưa về đến cảng Cát Lái. Các hãng tàu liên tục thông báo chậm trễ, có container chậm trễ gần 1 tuần so với dự kiến. Việc chậm trễ hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của doanh nghiệp, cũng như khách hàng sử dụng dịch vụ của Vanguard.Trao đổi về việc này, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, hiện VLA đang đề nghị Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn và các Công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển sà lan cùng tham gia vận chuyển giảm tải hàng hóa đối với các tàu phải giảm tải, đồng thời VLA cũng đề nghị SNP chấp thuận cho những nhà cung cấp dịch vụ khác tham gia. Trước đó, VLA cũng đã vào cuộc, cùng với Cục Hàng hải Việt Nam gặp gỡ các đại diện hãng tàu để thông báo sự cố và tìm các giải pháp nhằm khắc phục sự cố.

Theo VLA, các hãng tàu, các doanh nghiệp giao nhận có lượng vận tải lớn, các chủ hàng tại khu vực Bà Rịa -Vũng Tàu, Đồng Nai nên chủ động điều tiết lượng container có thể giao nhận trực tiếp tại cảng Cái Mép – Thị Vải hoặc trung chuyển về cảng Đồng Nai.

Các giải pháp khắc phục
Rạng sáng 19/10, tàu Vietsun Integrity chở theo 17 thuyền viên và 285 container, hành trình từ cảng VICT – TP. HCM đi Hải Phòng bị chìm trên sông Lòng Tàu, thuộc khu vực thượng lưu mũi An Thạnh, khu vực phao báo hiệu hàng hải số 28 luồng hàng hải Sài Gòn – Vũng Tàu. Vụ tai nạn không có thiệt hại về người, nhưng ảnh hưởng lớn đến hoạt động hàng hải trong khu vực.
Trước tình hình đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức điều tiết giao thông trong khu vực, song song với việc triển khai các giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, trục vớt hàng hóa bị chìm. Hiện nay, các lực lượng chức năng đã triển khai phương án bơm hút 150 tấn dầu ra khỏi tàu bị chìm, tất cả container đã được cố định ở bờ sông và đang được di dời khỏi hiện trường.

Ngày 24/10/2019, tại TP. HCM, Cục Hàng Hải Việt Nam đã tổ chức cuộc họp bàn về các giải pháp khắc phục sự cố, ổn định hoạt động cho các doanh nghiệp. Cuộc họp có sự tham dự của các cơ quan chức năng như Cảng vụ Hàng hải TP. HCM, Chi Cục Hàng hải Việt Nam tại TP. HCM và đại diện Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Đại lý và Môi giới Hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, các doanh nghiệp cảng biển, chủ tàu. Cuộc họp đã thống nhất nhiều phương án nhằm giải quyết các vướng mắc hiện tại của các doanh nghiệp.

Trước mắt, ưu tiên các biện pháp để tập trung xử lý hút khẩn cấp dầu ra khỏi tàu và thu gom các container trôi dạt, triển khai các phương án hút dầu loang, trục vớt container, tàu chìm. Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc làm rõ nguyên nhân vụ việc và triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông hàng hải an toàn, thông suốt trên khu vực tàu bị nạn.

Hiệp hội Đại lý và Môi giới Hàng hải Việt Nam kiến nghị Cục Hàng hải chỉ đạo gấp rút triển khai nạo vét tạm thời tại khu vực Bờ Băng để tàu có mớn đến 10.0m hoặc 10.5m có thể qua lại (thay vì 9.5m như quy định hiện hành).

Cảng vụ Hàng hải TP. HCM và Hoa tiêu Khu vực 1 thay đổi luồng lưu thông từ Lòng Tàu sang Soài Rạp. Cảng Vụ TP. HCM thực hiện việc tính mớn nước và thông báo cụ thể thời điểm mớn nước cao cho các ngày trong tuần để các hãng tàu chủ động trong việc sắp xếp hàng hóa; tăng cường cho tàu chạy đêm…

Để đảm bảo khai thác và lưu thông cơ quan chức năng sử dụng luồng Soài Rạp cho tàu biển ra vào khu vực cảng TP. HCM, Hiệp hội Đại lý và Môi giới Hàng hải Việt Nam kiến nghị Cục Hàng hải chỉ đạo gấp rút triển khai nạo vét tạm thời tại khu vực Bờ Băng để tàu có mớn đến 10.0m hoặc 10.5m có thể qua lại (thay vì 9.5m như quy định hiện hành).

Cục Hàng hải cũng yêu cầu các doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu container, hoa tiêu hàng hải và doanh nghiệp lai dắt tàu biển hỗ trợ khi các các tàu biển phải ghé các cảng khu vực Vũng Tàu dỡ hàng giảm tải trọng, cũng như cơ quan cảng vụ hàng hải linh động thông thoáng cho các tàu buộc phải giảm tải. Theo đó, Cục Hàng hải cũng yêu cầu các hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển, doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng cường phối hợp để không phát sinh phụ giá dịch vụ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng tại TP. HCM và Cái Mép.

Tai nạn là ngoài ý muốn, những vướng mắc phát sinh cũng ngoài mong đợi, trong lúc này rất cần các doanh nghiệp, đơn vị liên quan đang cùng chia sẻ khó khăn, cùng nhau vượt qua sự cố. Tuy nhiên, thực tế, sự ách tắc hàng hóa, sự chậm trễ trong hoạt động giao nhận, thông quan tại các cảng nếu kéo dài sẽ gây gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất. Rất mong các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan có nhiều giải pháp và hành động quyết liệt để sớm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho các doanh nghiệp, đơn vị liên quan.

Quang Anh – https://www.vla.com.vn/